|
|
|
Khái niệm cấp chứng thực PoC?
|
Trước hội nghị G2 lần 2 hàng năm, nhóm Mô phỏng đề xuất cấp chứng thực PoC (Proof of Concept) cho giải pháp của các thành viên của cộng đồng đã chứng minh được khả năng giải quyết các vấn đề mà cộng đồng đã đặt ra từ đầu năm. Việc cấp chứng thực PoC được thực hiện bằng bỏ phiếu (mỗi thành viên có một phiếu bầu). Vì IOCV là cộng đồng mở vì lợi ích chung của doanh nghiệp nên trong phiếu bầu của thành viên, lý do đồng ý hay không đồng ý đều được mở. Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện việc này là Viện Tin học Doanh nghiệp (VCCI-ITB). VCCI-ITB không được phép xin cấp chứng thực PoC.
Chứng thực PoC không có ý nghĩa về mặt pháp lý, nó chỉ có ý nghĩa thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển giải pháp IoT và là một tham chiếu cho bất kỳ ai, đơn vị nào quan tâm. Chứng thực PoC tương tự như Letter of Reference khi ứng viên đi xin việc hoặc xin học. Ngoài ra, chứng thực PoC còn có ý nghĩa truyền thông xây dựng hình ảnh cho cộng đồng IOCV.
|
Quy trình cấp chứng thực PoC?
|
Quy trình gồm các bước Đề xuất, Kiểm tra, Bỏ phiếu, Chứng thực, Truyền thông.
Đề xuất: Nhóm Mô phỏng căn cứ vào các hoạt động của cộng đồng từ đầu năm, chọn kết quả tiêu biểu, gợi ý đề xuất. Tiếp theo, nhóm Mô phỏng hỏi ý kiến của thành viên có giải pháp được gợi ý đề xuất. Nếu thành viên đó đồng ý thì thành viên đặt tên giải pháp và nộp một bản mô tả chức năng bằng tiếng Việt và một bản tiếng Anh. Tên giải pháp được yêu cầu viết ngắn gọn, cô đọng. Bản mô tả giải pháp mỗi thứ tiếng Việt, Anh được yêu cầu viết không vượt quá 1 trang A4 (font Times New Roman, cỡ chữ 14 pt). Chứng thực PoC có 2 loại: Loại α (viết tắt của Alpha) và π (viết tắt của Production). Loại Alpha là loại có ý tưởng nhưng chưa ra được giải pháp cuối. Loại Production là loại đã được đưa vào “sản xuất” và đã được thực tế kiểm nghiệm.
KIểm tra: Nhóm Mô phỏng mời các đơn vị đầu mối cử đại diện đi kiểm tra các giải pháp được đề xuất. Các đơn vị đầu mối gồm: VCCI-ITB, FDS, VIELINA, NetNam, VNPT Technology. Nhóm này, sau khi kiểm tra, có một báo cáo xác nhận là các giải pháp đó có đủ điều kiện để hội nghị bỏ phiếu hay không. Nếu thành viên nào thấy không đủ điều kiện thì phải nêu rõ lý do. Trong trường hợp có ít nhất 3/5 thành viên thấy không đủ điều kiện thì giải pháp đó sẽ bị loại và không đưa vào danh sách bỏ phiếu.
Bỏ phiếu: Trước Hội nghị G9 lần 2 khoảng 1 tuần, VCCI-ITB sẽ niêm yết danh mục các đề xuất trên trang http://iocv.vn. Việc bỏ phiếu được thực hiện tại Hội nghị G9 lần 2. Tuy nhiên, phiếu bầu được đăng tải trên trang này trước 1 tuần. Các thành viên có thể điền vào phiếu trước hội nghị. Đối với các thành viên không thể tham dự hội nghị thì scan phiếu bầu của mình thành file PDF và gửi file đó về địa chỉ email contact@itb.com.vn hoặc levanloi@itb.com.vn . Giải pháp được cấp PoC là giải pháp đạt ít nhất 66% tổng số phiếu bầu hợp lệ. Cách tính % số phiếu bầu theo công thức: Floor (Y * 100/S), trong đó Y là số phiếu đồng ý, S là tổng số phiếu hợp lệ. Vì sao 66% mà không phải là 50%? Vì PoC cần đạt được sự đồng thuận cao từ cộng đồng để giải pháp được lựa chọn làm đại sứ cho cộng đồng.
Chứng thực: Chứng thực (Certificate) được cấp bằng một file PDF theo mẫu thiết kế thống nhất (xem dưới đây) có ký số bằng chữ ký số của VCCI-ITB. Vì sao cần chữ ký số? Vì khi có chữ ký số thì giả mạo chứng thực sẽ khó hơn rất nhiều. Vì sao chữ ký số VCCI-ITB? Có 2 lý do: 1.- VCCI là đơn vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và VCCI-ITB là đơn vị trực thuộc cấp dưới. 2.- VCCI-ITB là đơn vị đầu mối chung và không được phép xin cấp PoC.
Truyền thông: Sau khi giải pháp được cấp PoC, giải pháp đó trở thành “đại sứ” của IOCV. Các giải pháp PoC được truyền thông tại các sự kiện do IOCV tổ chức.
|
Vì sao dùng từ Giải pháp mà không dùng các từ khác như sản phẩm, dịch vụ?
|
Giải pháp (Solution) có thể bao gồm sản phẩm, dịch vụ, quy trình, ... Hơn nữa, từ “giải pháp” vừa có nội hàm R&D vừa có nội hàm sản xuất, kinh doanh – khác với các từ “sản phẩm” hay từ “dịch vụ” chỉ thuần túy phục vụ sản xuất, kinh doanh ít khơi gợi ý tưởng đổi mới sáng tạo.
|
Vì sao tỷ lệ bỏ phiếu phải đạt 66% mà không phải 50% hay một con số khác?
|
Một giải pháp được cấp PoC nên là một giải pháp đạt sự đồng thuận cao. Như thế nào là đạt sự đồng thuận cao? Con số 2/3 là con số không quá “khắt khe” nhưng cũng không quá “dễ dãi”. Đó là lý do vì sao con số 66% được chọn.
|
Giải pháp nào có thể được cấp chứng thực PoC?
|
Giải pháp của một thành viên bất kỳ thuộc IOCV, trừ VCCI-ITB. Lý do: VCCI-ITB là đơn vị điều phối việc cấp chứng thực PoC nên để bảo đảm tính khách quan, VCCI-ITB không được nhận chứng thực PoC. Thành viên của IOCV là tổ chức hoặc doanh nghiệp, không có thành viên là cá nhân.
|
Điều kiện để được đề xuất cấp chứng thực PoC là gì?
|
Nhóm Mô phỏng đề xuất trên cơ sở đơn vị thành viên có giải pháp chấp thuận. Nhóm Mô phỏng căn cứ vào các hoạt động của cộng đồng từ đầu năm, chọn kết quả tiêu biểu, sau đó đề xuất. Nếu sau khi được hỏi ý kiến, đơn vị được đề xuất chấp thuận thì đề xuất được thông qua.
Điều kiện quan trọng nhất: giải pháp phải là của doanh nghiệp Việt. Các giải pháp của nước ngoài nhưng được doanh nghiệp nghiệp Việt mua lại hoặc làm đại lý không được tính là giải pháp của doanh nghiệp Việt. Nhóm Mô phỏng và các đơn vị đầu mối của cộng đồng giành quyền định nghĩa thế nào là của doanh nghiệp Việt.
|
Chứng thực PoC gồm có những loại nào?
|
Chứng thực PoC chỉ có 2 loại: Loại α (viết tắt của Alpha) và π (viết tắt của Production). Loại Alpha là loại có ý tưởng nhưng chưa ra được giải pháp cuối. Loại Production là loại đã được thực tế kiểm nghiệm. Tại sao lại dùng các ký hiệu α và π? Vì đây là các ký hiệu toán học được sử dụng phổ biến trong các công trình khoa học, các ký hiệu này mang tính ước lệ cao thể hiện sự tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm để sáng tạo và phát triển giải pháp.
|
Thành viên được cấp chứng thực PoC có quyền lợi và nghĩa vụ gì?
|
Quyền lợi:
- Giải pháp trở thành đại sứ của IOCV;
- Giải pháp được cấp chứng thực PoC và đơn vị thành viên sở hữu giải pháp này được truyền thông tại các sự kiện của IOCV và được truyền thông trên các kênh do IOCV xúc tiến (trên truyền hình, báo, đài, cổng thông tin, mạng xã hội, …).
Nghĩa vụ:
- Đảm bảo chất lượng và dịch vụ giải pháp như cam kết, phối hợp với các đầu mối truyền thông;
- Thiết kế bản mô tả giải pháp (tiếng Việt, tiếng Anh) theo mẫu chung;
- Tự nguyện sử dụng nguồn lực của mình để truyền thông giải pháp.
|
|
|
|
|